Thanh tra Chính phủ vừa công bố Kết luận thanh tra số 495/KL-TTCP về công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Bộ NN&PTNT có biểu hiện lơ là, buông lỏng quản lý
Theo Kết luận thanh tra, Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành, các tỉnh, TP trực thuộc trung ương đã có nhiều cố gắng trong việc tham mưu ban hành cơ chế, chính sách bố trí nguồn lực để sửa chữa đê điều, tăng cường hệ thống thuỷ lợi… nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý vẫn còn những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm. Trong đó, ngoài nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan là Bộ NN&PTNT, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai nhưng “có lúc, có nơi chưa thấy rõ trách nhiệm, có biểu hiện chủ quan, lơ là, buông lỏng quản lý…”.
Cụ thể, trong công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ nêu rõ Bộ NN&PTNT lập, phê duyệt mới 7 quy hoạch thuỷ lợi đối với một số lưu vực sông, vùng, miền với giai đoạn quy hoạch là 12 năm, vượt hai năm, thực hiện không đúng quy định của Luật Thuỷ lợi. Quá trình lập quy hoạch chưa lấy ý kiến của Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT).
Có 3/7 quy hoạch thủy lợi, gồm quy hoạch thủy lợi vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, lưu vực sông Cầu - Thương, có thời gian lập, phê duyệt quy hoạch kéo dài trong 4 năm, ảnh hưởng đến chất lượng quy hoạch.
Có 2/7 quy hoạch nội dung chưa thể hiện cho từng thời kỳ 5 năm; 4/7 quy hoạch thuỷ lợi không phù hợp theo đề cương nhiệm vụ và quyết định giao nhiệm vụ lập quy hoạch. Bộ NN&PTNT đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung ba quy hoạch thủy lợi không đúng thẩm quyền.
Một công trình thuỷ lợi tại Cà Mau. Ảnh: Internet
Đối với một số địa phương, tính đến năm 2018, tỉnh Cà Mau chưa lập, phê duyệt quy hoạch thủy lợi tỉnh theo quy định tại Quyết định 1397/QĐ-TTg dẫn đến tỉnh Cà Mau thiếu cơ sở để quản lý thủy lợi trong giai đoạn 2018-2023 và trước đó.
UBND tỉnh Đồng Tháp sau khi phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thủy lợi nhưng không tổ chức công bố công khai các nội dung quy hoạch đã điều chỉnh trong suốt thời kỳ quy hoạch.
Theo Thanh tra Chính phủ, từ việc Bộ NN&PTNT, UBND một số tỉnh thực hiện không đúng các quy định pháp luật trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch thủy lợi như trên dẫn đến thiếu cơ sở để triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế.
Phê duyệt hàng loạt dự án dù thiếu cơ sở
Kết luận thanh tra dẫn báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy giai đoạn 2018-2023, Bộ này và các địa phương phê duyệt đầu tư 978 dự án, tiểu dự án, dự án thành phần đầu tư xây dựng, tu bổ, kiên cố hóa đê điều với tổng mức đầu tư hơn 66.300 tỷ đồng.
Trong đó, Bộ NN&PTNT thực hiện đầu tư 2 dự án và 48 tiểu dự án, dự án thành phần với tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng.
Từ năm 2018 tới năm 2023, Bộ NN&PTNT phê duyệt Dự án nâng cấp đê, kè hữu Hồng thuộc địa bàn Hà Nội và Dự án xây dựng tuyến đê biển Bình Minh 4, huyện Kim Sơn, Ninh Bình (giai đoạn 1); vốn trái phiếu Chính phủ 630 tỷ đồng và vốn địa phương 80 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ nhận thấy, việc phê duyệt đầu tư dự án, bố trí vốn đầu tư xây dựng 2 dự án nêu trên căn cứ vào Quy hoạch 257 (quy hoạch đê điều tại Quyết định số 257/2016 của Thủ tướng Chính phủ) và các quy hoạch liên quan của địa phương. Tuy nhiên, quy hoạch đê điều tỉnh Ninh Bình và Hà Nội chưa được phê duyệt.
Quy hoạch đê điều trong Quy hoạch 257 được kết luận "chưa đủ cơ sở để xác định các dự án đầu tư, thiếu cơ sở để quản lý dự án đầu tư xây dựng theo Luật Đê điều năm 2006".
Cũng trong thời gian trên, Bộ NN&PTNT phê duyệt chủ trương đầu tư 17 dự án thành phần tu bổ đê điều trên địa bàn 8 tỉnh (Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa), đã phân bổ 242 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương.
Thanh tra kết luận việc Bộ NN&PTNT phê duyệt đầu tư 17 dự án căn cứ vào Quy hoạch 257 (riêng dự án ở Thanh Hóa căn cứ vào quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê trên địa bàn) và thực trạng hư hỏng, xuống cấp của công trình đê điều nhưng quy hoạch đê điều tại 7 tỉnh trên chưa được phê duyệt.
Quy hoạch đê điều trong Quy hoạch 257 chưa đủ cơ sở để xác định các dự án đầu tư, thiếu cơ sở để quản lý dự án đầu tư xây dựng, tu bổ đê điều.
Giai đoạn 2021-2023, Bộ NN&PTNT phê duyệt đầu tư 3 dự án tu bổ, nâng cấp đê điều thuộc 31 dự án thành phần tại 17 tỉnh, trong đó có 5 tỉnh không thuộc Quy hoạch 257 (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Long An, An Giang); tổng mức đầu tư 3.023 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 2.900 tỷ đồng, vốn địa phương 123 tỷ đồng).
Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều vi phạm trong công tác quản lý nhà nước về thủy lợi tại Bộ NN&PTNT. Ảnh: Trụ sở Bộ NN&PTNT
Kết luận thanh tra nhận định Bộ NN&PTNT chưa có quy định chế độ thông tin báo cáo. Mặt khác quy hoạch đê điều chưa đủ cơ sở để xác định các dự án đầu tư hoặc chưa có quy hoạch, nên không đủ cơ sở dữ liệu về đầu tư.
Từ báo cáo của Bộ NN&PTNT và qua kiểm tra thực tế, Thanh tra Chính phủ phát hiện UBND các tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 60 dự án với tổng mức đầu tư trên 6.000 tỷ đồng khi quy hoạch đê điều của tỉnh chưa được phê duyệt và quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch năm 2017 cũng chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đây là việc thực hiện không đúng quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Đê điều năm 2006.
Bộ NN&PTNT chậm trễ, thực hiện không đúng quy định của Thủ tướng
Theo kết luận thanh tra, từ năm 2018 đến năm 2023, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan khắp các vùng miền cả nước, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đối với công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, từ năm 2018 đến năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trích từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương hỗ trợ đến đối tượng thiệt hại do thiên tai gây ra, tổng hỗ trợ gần 39.000 tấn gạo, trên 13.600 tấn hạt giống và 11.740 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 (Quyết định số 172/2007) và ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược tại Văn bản số 1820/2009 (Chiến lược 172). Trong đó, Bộ NN&PTNT được giao chỉ đạo, tổ chức triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chiến lược thuộc lĩnh vực quản lý để chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra, trong năm 2018 và năm 2019, Bộ NN&PTNT không thực hiện báo cáo định kỳ hàng năm nhằm đánh giá rút kinh nghiệm và đề xuất kiến nghị, trình Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh nội dung, giải pháp trong Chiến lược 172 cho phù hợp. Điều này thực hiện không đúng quy định của Thủ tướng.
Trong 2 năm (2022, 2023), Bộ NN&PTNT không tổ chức giám sát, đánh giá định kỳ hàng năm việc thực hiện Chiến lược 379 (Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ), thực hiện không đúng quy định của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai.
Bộ NN&PTNT chậm trễ xây dựng kế hoạch quốc gia về phòng chống thiên tai 5 năm giai đoạn 2016-2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt - thực hiện không đúng quy định Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013; Không ban hành bộ chỉ số và khung theo dõi đánh giá thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016-2020 làm cơ sở để các bộ, ngành và địa phương thực hiện; hàng năm chưa có báo cáo riêng về kết quả thực hiện Nghị quyết 76/NQ-CP và yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Trước những vi phạm, khuyết điểm nêu trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT căn cứ Kết luận thanh tra tổ chức kiểm điểm để xử lý trách nhiệm theo quy định đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo Bộ có liên quan. Đồng thời, chỉ đạo UBND các tỉnh, TP Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Nguyên… tổ chức kiểm điểm để xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân lãnh đạo UBND tỉnh, TP có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm |